Sụp đổ và khôi phục Nam Kasai

Chiến dịch tháng 8–9 năm 1960

Khi Nam Kasai ly khai, quân đội chính phủ (ANC) đang chiến đấu chống lại quân Katanga ở vùng Kasai.[23] Nam Kasai nắm giữ các giao lộ đường sắt quan trọng mà quân đội Congo cần để lưu thông trong chiến dịch Katanga, do đó quốc gia này nhanh chóng trở thành một mục tiêu quan trọng. Nam Kasai cũng có nguồn tài nguyên khoáng sản lớn mà chính quyền trung ương rất muốn trả lại cho Congo.[57] Chính phủ cũng hiểu sai quan điểm của Nam Kasai, tin rằng khu vực này đã tuyên bố độc lập hoàn toàn khỏi Congo và bác bỏ chủ quyền của nước này – mặc dù đây là góc nhìn từ phía Katanga.[3]

"[Các hành động của ANC ở Nam Kasai] bao gồm sự vi phạm nhân quyền cơ bản trắng trợn nhất và có các đặc điểm của tội ác diệt chủng vì chúng dường như hướng tới việc tiêu diệt một nhóm dân tộc cụ thể, đó là người Baluba [sic]."

Dag Hammarskjöld, Tổng thư ký LHQ, tháng 9 năm 1960[58]

Ban đầu Lumumba hy vọng rằng Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ giúp chính quyền trung ương đàn áp cả hai cuộc ly khai của người Katanga và Nam Kasai, khi tổ chức này đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia đến Congo vào tháng 7 năm 1960. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc tỏ ra miễn cưỡng, coi việc ly khai là vấn đề chính trị nội bộ và nhiệm vụ của chính họ là duy trì luật pháp và trật tự cơ bản.[59] Bị cả Liên Hợp Quốc lẫn Hoa Kỳ từ chối, Lumumba tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ quốc gia cộng sản Liên Xô.[57] Trong vòng vài ngày sau cuộc ly khai với sự hỗ trợ hậu cần của Liên Xô, 2.000 quân ANC đã phát động một cuộc tấn công lớn vào Nam Kasai và sớm đạt thành công.[60] Vào ngày 27 tháng 8, những người lính ANC tiến đến Bakwanga.[61]

Trong quá trình tấn công, ANC đã tham gia vào cuộc bạo lực sắc tộc giữa người Baluba và người Bena Lulua.[60] Khi quân chính phủ đến Bakwanga, họ thả những tù nhân Lulua khỏi nhà tù và bắt đầu trưng dụng các phương tiện dân sự. Khi Bộ trưởng Bộ Công chính Nam Kasai David Odia phản đối, binh lính đã đánh ông và làm ông bị thương nặng. Nhiều người Baluba ban đầu chạy trốn trong kinh hoàng, nhưng sau đó bắt đầu chống cự bằng súng săn tự chế.[62] Điều này khiến ANC gây ra một số vụ giết chóc thường dân Luba quy mô lớn.[60] Vào tháng 9, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag Hammarskjöld, người gần đây đã triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình lớn tới Congo, gọi các vụ thảm sát là "một cuộc diệt chủng mới bắt đầu".[58] Người Baluba cũng bị người Katanga tấn công từ phía nam.[63] Các cuộc thảm sát thường có sự hợp tác của ANC và quân Katanga, trong đó khoảng 3.000 người Baluba đã bị giết.[63] Tình trạng bạo lực từ cuộc tiến công đã khiến hàng nghìn thường dân Luba di cư, rời bỏ nhà cửa để thoát khỏi cuộc giao tranh; chỉ riêng hơn 35.000 người đã đến các trại tị nạn ở Élisabethville (thủ đô Katanga).[64] Có tới 100.000 người tìm nơi ẩn náu ở Bakwanga.[65] Các bệnh, đáng chú ý là bệnh kwashiorkor cũng như sốt rét, đậu mùathiếu máu, đã lan rộng và đạt đến "tỷ lệ dịch bệnh" trong số những người tị nạn Luba từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1960.[66] Tổ chức Y tế Thế giới đã gửi một triệu liều vắc xin đậu mùa đến Nam Kasai để giải quyết vấn đề. Dịch bệnh xảy ra trước nạn đói lan rộng vào tháng 12, ước tính giết chết chừng 200 người mỗi ngày. Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên cứu trợ, và đến cuối tháng 1, chính phủ và viện trợ tư nhân đã giảm tỷ lệ tử vong xuống 75%. Sự hỗ trợ bổ sung dưới hình thức không vận thực phẩm khẩn cấp, bổ sung nhân viên y tế cùng hạt giống từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp đảm bảo rằng nạn đói gần như được giải quyết hoàn toàn vào tháng 3 năm 1961.[67] Các nhân viên cứu trợ của Liên Hợp Quốc rút lui sau sự kiện Port Francqui tháng 4 năm 1961 do vấn đề an ninh lo ngại, mặc dù viện trợ lương thực tiếp tục được đưa đến biên giới.[68]

Các cáo buộc diệt chủng[lower-alpha 10] và sự tàn bạo của ANC được dùng làm cơ sở cho việc Kasa-Vubu cách chức Lumumba với sự hậu thuẫn của Mobutu vào tháng 9 năm 1960.[8] Sau chiến dịch, nhà nước Nam Kasai đã có thể cung cấp viện trợ đáng kể cho những người tị nạn, khi nhiều người trong số họ đã được tái định cư và có công ăn việc làm.[34] Tuy nhiên, cuộc xâm lược khiến nền kinh tế địa phương bị gián đoạn đáng kể; đến tháng 12, số lượng viên kim cương do Forminière cắt và số người công ty tuyển dụng đều giảm xuống còn vài nghìn.[70]

Chung sống và nỗ lực hòa giải

Kalonji và Tổng thống Congo Joseph Kasa-Vubu năm 1961

Bất chấp việc bị chiếm đóng, nhà nước Nam Kasai không bị giải thể mà cùng tồn tại với phần còn lại của Congo. Các đại biểu Congo, cũng như quân đội ANC và Liên Hợp Quốc nói chung có thể di chuyển quanh lãnh thổ mà không xung đột với chính quyền Nam Kasai trong khi chiến dịch lẻ tẻ của họ chống lại lực lượng Katanga vẫn tiếp tục.[3] Một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc bảo trợ vào tháng 9 năm 1960 đã tạm dừng xung đột Luba-Lulua, nhưng đến tháng 11, lực lượng Kalonji phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn.[71] Trong phần lớn thời gian, hiến binh Nam Kasai chiến đấu với dân quân Kanyok và Lulua trên khắp khu vực trong khi bạo loạn sắc tộc địa phương vẫn tiếp diễn.[72] Vào tháng 1 năm 1961 Kasa-Vubu bay đến Bakwanga để gặp Kalonji. Chuyến thăm bắt đầu trong sự gay gắt khi Kasa-Vubu từ chối công nhận đội bảo vệ danh dự Nam Kasai có mặt tại sân bay và đi trên chiếc limousine treo cờ Nam Kasai được họ đưa tới. Kalonji cuối cùng đã gỡ bỏ lá cờ và hai người hòa giải.[73]

Vào giữa năm 1961, các hội nghị được tổ chức tại Coquilhatville (Mbandaka ngày nay) và sau đó tại Antananarivo, Madagascar nhằm cố gắng làm trung gian hòa giải giữa các phe ly khai và chính quyền trung ương trước một chính phủ nổi dậy ở Đông Congo do Antoine Gizenga lãnh đạo.[74] Với việc Lumumba đã chết, giới chính trị hy vọng có thể tạo ra một hiến pháp liên bang giúp hòa giải ba bên.[74] Tuy nhiên, các thỏa thuận lại gia tăng sự thiếu chắc chắn.[75] Việc lật đổ Thủ tướng Nam Kasai Ngalula vào tháng 7 đã đẩy nhanh sự sụp đổ nội bộ.[55] Ông thành lập đảng chính trị của riêng mình, Liên minh Dân chủ, để chống lại những người theo phe Kalonji.[76] Cuối tháng đó, Quốc hội tái triệu tập với sự tham dự của Kalonji và các đại biểu Nam Kasai khác. Một chính quyền trung ương Congo mới được thiết lập vào ngày 2 tháng 8 trong đó Ngalula là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, và Kalonji quay trở lại Nam Kasai.[77] Vào cuối tháng 10 năm 1961, ông cùng một số thủ lĩnh Lulua thành lập một liên minh mang tính biểu tượng trong nỗ lực chấm dứt xung đột bộ tộc Luba-Lulua.[78]

Vụ bắt giữ Kalonji

Bản đồ thể hiện tình hình Congo năm 1961 với lãnh thổ bị chia cắt giữa bốn phe đối lập. Nam Kasai màu vàng.

Vào ngày 2 tháng 12 năm 1961, Kalonji bị người cộng sản Christophe Gbenye – một cấp phó khác của mình – buộc tội đã ra lệnh nhục hình một tù nhân chính trị ở Nam Kasai.[79] Quốc hội bỏ phiếu loại bỏ quyền miễn trừ nghị viện của Kalonji; sau đó ông ta bị ANC bắt giữ ở Léopoldville.[80] Một phái đoàn khoảng 400 trưởng lão bộ lạc Luba được cử đến Léopoldville để phản đối cũng bị bắt trong thời gian ngắn.[81] Mobutu và tướng Victor Lundula đến thăm Bakwanga ngay sau đó.[72] Ferdinand Kazadi lên nắm quyền với tư cách người đứng đầu nhà nước Nam Kasai.[1]

Ngày 9 tháng 3 năm 1962, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Cyrille Adoula, Quốc hội Léopoldville vừa tái triệu tập đồng ý sửa đổi Hiến pháp và trao cho Nam Kasai quy chế tỉnh chính thức.[3] Đến tháng 4 năm 1962, các lực lượng Liên Hợp Quốc được lệnh chiếm đóng Nam Kasai nhằm thể hiện lập trường hiếu chiến mới của Tổng thư ký U Thant chống lại việc ly khai sau khi Hammarskjöld qua đời. Tại Léopoldville, Kalonji bị kết án 5 năm tù.[72] Tuy nhiên vào ngày 7 tháng 9, ông đào tẩu và quay trở lại Nam Kasai với hy vọng giành lại vị trí chính thức trong các cuộc bầu cử địa phương và đứng đầu chính phủ, lấy lại quyền miễn trừ của mình.[82]

Đảo chính tháng 9–10 năm 1962

Khi sự bất mãn với hành động ly khai ngày càng tăng, Ngalula và những người di cư Nam Kasai khác ở Léopoldville âm mưu lật đổ chế độ Bakwanga. Vào tháng 9 năm 1962, chính phủ Léopoldville bổ nhiệm Albert Kankolongo,[45] một cựu bộ trưởng trong chính phủ của Kalonji[83] làm Đặc ủy viên (commissaire extraordinaire) Nam Kasai, trao cho ông toàn quyền quân sự và dân sự để giải tán nhà nước địa phương. Ngalula đã gặp mặt Kankolongo để lãnh đạo một cuộc binh biến và đảo chính chống lại Kalonji.[45]

Trong đêm 29 rạng ngày 30 tháng 9 năm 1962, các chỉ huy quân sự ở Nam Kasai do Kankolongo lãnh đạo đã tiến hành một cuộc đảo chính ở Bakwanga chống lại chế độ Kalonji.[34][3] Đài phát thanh Bakwanga kêu gọi tất cả sĩ quan của lực lượng hiến binh Nam Kasai hỗ trợ chính quyền trung ương với lời hứa rằng họ sẽ hòa nhập vào ANC với cấp bậc và mức lương hiện tại của họ.[84] Kalonji và tướng Dinanga bị quản thúc tại gia, trong khi các bộ trưởng Nam Kasai khác bị giam trong một ngôi nhà.[85] Kalonji và Dinanga trốn thoát vài ngày sau đó;[86] vị cựu tổng thống bắt một xe tải đến Katanga.[87] Kankolongo phản ứng bằng cách ngay lập tức đưa các bộ trưởng còn lại đến Léopoldville.[86] Vào ngày 5 tháng 10 năm 1962, quân đội chính phủ trung ương lại đến Bakwanga để hỗ trợ binh sĩ nổi loạn và trấn áp những người cuối cùng trung thành với Kalonji, đánh dấu sự chấm dứt của nhà nước ly khai.[88] Kalonji đến cư trú tại Kamina và cố gắng gặp Tshombe, nhưng bị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Katanga Godefroid Munongo từ chối. Sau đó, ông trốn sang Paris[87] trước khi định cư tại BarcelonaTây Ban Nha thời Franco.[89]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nam Kasai http://www.africamuseum.be/sites/default/files/med... http://www.kaowarsom.be/documents/BULLETINS_MEDEDE... http://fr.allafrica.com/stories/200808150585.html http://akemasbl.canalblog.com/archives/2010/03/09/... http://www.congoindependant.com/article.php?articl... http://www.philateliequebec.com/Numeros2011/Janvie... http://www.sciencespo.fr/mass-violence-war-massacr... http://www.cairn.info/revue-courrier-hebdomadaire-... http://whqlibdoc.who.int/bulletin/1962/Vol27/Vol27... http://www.lephareonline.net/congo-zaire-lempire-d...